Nội thất mây nhựa – Hồn quê trong phố

Hon Que Trong Pho 502x600 1

Từ nan tre, sợi mây mộc mạc, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ, những sản phẩm nội thất mây tre đã trở thành mặt hàng hấp dẫn, thu hút nhiều người sử dụng. Giữa không gian phố xá hiện đại, sự có mặt của những món đồ thủ công này như gợi nhớ về hình ảnh xưa cũ, làm phảng phất hơi thở làng quê giữa lòng phố thị.

Sản phẩm ngày càng độc đáo

Hon Que Trong Pho
Anh Nguyễn Văn Dũng (Công ty TNHH Công nghiệp Semco Phú Yên) chọn mua sản phẩm thủ công mây tre để trang trí cho không gian sống của mình – Ảnh: THÁI HÀ

Trước khi đồ nhựa ra đời, sản phẩm mây tre được người dân nông thôn sử dụng rất phổ biến để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Trải qua một thời gian bị quay lưng, những năm gần đây, người ta lại bắt gặp những món đồ này ở các quán cà phê, homestay, nhà hàng, khách sạn… với nhiều mẫu mã, kiểu dáng sang trọng.

 

Từ thúng, mủng, giần, sàng, nong, nia, gióng, gánh, sóng chén cho đến bộ bàn ghế cafe uống nước, chõng tre… là những món đồ không thể thiếu trong các gia đình nông thôn ngày trước. Tuy nhiên, theo sự phát triển của ngành vật liệu mới, chúng dần được thay thế bằng nhựa và vắng bóng trên thị trường. Khi xu thế sử dụng sản phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường phát triển, sản phẩm mây tre đan thủ công lại bắt đầu tạo nên sức hút mới. Bởi theo nhiều người, các sản phẩm này không chỉ gần gũi với thiên nhiên mà còn mang lại vẻ đẹp rất riêng cho không gian sống.

 

Không còn làm gióng để phục vụ sản xuất, bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Phú Khánh (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) chuyển sang thắt những đôi gióng nhỏ hơn để bán cho khách hàng về trang trí. Bà Năm cho biết, để sản xuất sản phẩm phải trải qua nhiều bước, từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu, đến làm sản phẩm.

 

Để có những đôi gióng trang trí thì việc đầu tiên là mua mây về, chẻ lấy phần cật, chuốt cho mỏng và đều nan rồi phơi khô, ngâm bùn chống mối mọt. Khi đan xong, dùng rơm, rạ để hun khói tạo màu cho sản phẩm. “Ngày nay, hầu hết người ta mua những sản phẩm mây tre thủ công để trang trí chứ ít sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày nên đòi hỏi sản phẩm phải đẹp, nghệ thuật”, bà Năm cho biết.

 

Nói về sức hút của sản phẩm mây tre đan hiện nay, chị Lê Thị Hiên, chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm mây tre đan Hồn Việt (174 Phan Đình Phùng, TP Tuy Hòa), cho biết: “Các sản phẩm mây tre đan không chỉ bền mà còn đẹp, thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng chọn sử dụng. Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, cửa hàng chúng tôi nhập về các sản phẩm đa dạng mẫu mã từ các đầu mối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 

Ở Phú Yên, các làng nghề cung cấp những sản phẩm như mẹt tre, rổ rá, gióng thúng, giường tre… Tùy theo độ tinh xảo của sản phẩm mà giá cả cũng khác nhau. Những món trang trí thông thường thì có giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Cá biệt, một số sản phẩm có giá cao như giường tre: 1,1 triệu đồng/cái, bộ bàn ghế mây 1,8 triệu đồng, bộ ghế salon bằng mây 8 triệu đồng…”.

 

Lưu giữ nét xưa giữa không gian hiện đại

 

Năm tháng qua đi, đôi khi vì thấy mây tre xù xì, nhàm mắt, người ta không còn sử dụng nữa, nhưng sau đó, những sản phẩm này vẫn được khách hàng tìm mua lại. Vì với nhiều người, đó là những vật dụng thân thương từng gắn liền với hình ảnh ông bà, cha mẹ, cũng như chứa đựng một phần của hồn cốt nông thôn dân dã.

 

Tôi gặp anh Nguyễn Văn Dũng (Công ty TNHH Công nghiệp Semco Phú Yên) khi anh mồ hôi mồ kê chạy lòng vòng giữa cái nắng gay gắt của Tuy Hòa để mua đồ mỹ nghệ mây tre. Anh Dũng cho biết, trước đây, vợ của người quản lý công ty từ Mỹ sang Việt Nam, bà đã rất thích thú với sản phẩm mây tre đan để trang trí văn phòng công ty, khi về nước, bà ấy không quên mua nhiều hàng mây tre mang theo.

 

“Tôi nghĩ, nhiều người đến từ những đất nước xa lạ, nhìn sản phẩm của quê mình còn thấy đẹp mà mình ở đây lại không nhận ra, và tôi bắt đầu thích thú khi sưu tầm những sản phẩm mây tre trang trí. Nếu biết bài trí, những món đồ này sẽ giúp không gian của gia đình vừa lạ, vừa quen, lại rất độc đáo”, anh Dũng cho biết.

 

Chị Nguyễn Thị Bích (phường 2, TP Tuy Hòa) cũng rất mê những món đồ từ mây tre đan và thường xuyên mua trang trí trong nhà. Chị Bích chia sẻ: “Ngày trước khó khăn, người ta sợ ăn cơm ghé, nhưng khi đã no đủ, nhiều người muốn quay về ăn “cơm bao cấp” để nhớ lại thời gian khổ.

 

Việc sử dụng đồ mây tre cũng thế, không phải vì nó tiện ích hơn mà chỉ đơn giản là khi nhìn vào đó, ta thấy gần gũi, thân quen và gợi nhớ về những ngày tháng xưa cũ trước đó. Ở cái thời mà con người luôn phải bươn chải để chạy theo cơm áo gạo tiền, phút lắng lòng trong không gian mộc mạc với tôi cũng là cách giúp cân bằng cảm xúc”.

 

Có hơn 10 năm kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre, chị Lê Thị Hiên, chủ cửa hàng đồ lưu niệm mây tre đan Hồn Việt cho biết, khách hàng tìm đến tiệm của chị ngoài những người mua trang trí cho homestay, quán cà phê, khách sạn thì cũng có rất nhiều người mua để sử dụng trong gia đình.

 

Trong số đó có nhiều người nước ngoài sinh sống ở Phú Yên, mỗi lần mua cả chục món. Họ cho biết, thường tìm mua trên mạng nhưng cảm giác đến tận cửa hàng, sờ tận tay và chọn mua được món ưng ý làm họ thấy thích thú. Nhiều khách hàng mua sản phẩm về trang trí thấy đẹp còn chụp hình gửi qua cho cửa hàng để “khoe”.

 

THÁI HÀ

Share this story: